ABS là hệ thống phanh an toàn nhất trên ô tô. Nó là hệ thống rất quan trọng của một chiếc xe để đảm bảo tính mạng của tài xế cũng như hành khách. Tùy thuộc vào từng dòng xe ô tô mà nhà sản xuất sử dụng các hệ thống phanh khác nhau và có nguyên lý hoạt động khác nhau. Ở bài này, để biết về hệ thống chống bó cứng phanh ABS và nguyên lý hoạt động của nó nên xe ô tô mời bạn cùng đọc tìm hiểu nhé!
>> Xem thêm: Nguyên nhân đèn ABS trên taplo hiện sáng
ABS là gì?
ABS (viết tắt của cụm từ Anti-lock Brake System) – hệ thống chống bó cứng phanh hay chống khóa phanh là một trong những hệ thống an toàn được trang bị trên xe ô tô, giúp hỗ trợ tài xế trong quá trình vận hành xe an toàn hơn.
Hiểu đơn giản, hệ thống chống bó cứng phanh ABS giúp người lái không cần phải nhấp/nhả phanh liên tục để kiểm soát tốc độ trong các trường hợp khẩn cấp mà hệ thống này sẽ tự động điều chỉnh và kiểm soát tốc độ, giúp xe không bị trượt bánh hay quay vòng. Hiện nay, hầu hết các dòng xe hiện đại đều được trang bị hệ thống này là trang bị an toàn tiêu chuẩn tối thiểu.
Cấu tạo hệ thống chống bó cứng phanh ABS
Một hệ thống phanh ABS chống bó cứng có 4 bộ phận chính gồm:
1. Cảm biến tốc độ được gắn ở mỗi bánh xe, có chức năng đo tốc độ quay của bánh xe và truyền tín hiệu tới bộ điều khiển trung tâm. Cảm biến có thể không chính xác nếu xe di chuyển chậm.
2. Van thủy lực: kiểm soát áp suất các má phanh ở mỗi bánh xe.
3. Bơm thủy lực: bơm và xả để thay đổi áp lực lên các bánh xe thông qua hệ thống van thuỷ lực.
4. Bộ điều khiển trung tâm nhận dữ liệu và các thông số được truyền từ cảm biến tốc độ. Trong trường hợp nhận ra thay đổi hoạt động không bình thường của một trong các bánh xe, bộ điều khiển này sẽ thực hiện giới hạn lực phanh và kích hoạt hệ thống ABS.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống chống bó cứng phanh ABS
Khi một hoặc nhiều bánh xe có tốc độ quay giảm nhanh hơn so với các bánh còn lại, cảm biến được gắn ở các bánh xe nhận biết được vận tốc quay của từng bánh xe, phát hiện bánh xe đang có hiện tượng bó cứng và truyền tín hiệu về bộ điều khiển trung tâm.
Bộ điều khiển trung tâm nhận thông tin và kích hoạt hệ thống ABS, tính toán giảm áp suất tác động lên má phanh thông qua bơm và van thủy lực một cách tối ưu nhất (ấn và nhả thanh kẹp trên phanh đĩa liên tục), giúp bánh xe không bị bó cứng. Tương tự, cơ chế này cũng được thực hiện ngược lại khi tốc độ quay của một bánh xe nhanh hơn đáng kể so với các bánh xe khác.
Kể từ khi hệ thống chống bó cứng phanh ABS ra đời, người dùng ô tô phần nào có thể cảm thấy an toàn hơn khi vận hành xe trên đường. Đặc biệt, hệ thống này cũng giúp giảm thiểu mức độ nghiêm trọng và số lượng lớn các vụ tai nạn giao thông do phanh bị bó cứng.
Tuy nhiên, hệ thống chống bó cứng phanh ABS không có nhiệm vụ thay thế hoàn toàn cho người lái trong việc điều khiển và duy trì tốc độ xe. Do đó, tài xế không nên chủ quan mà vẫn cần thật cẩn thận trong quá trình lái xe để đảm bảo an toàn cho bản thân và hành khách trên xe.