Ngành công nghiệp ô tô phát triển hơn 100 năm nay với rất nhiều dòng xe ra đời, kéo theo các cuộc cách mạng về thiết kế, công nghệ, an toàn.. nhưng thiết kế vô lăng xe ô tô gần như không thay đổi. Hãy cùng tìm hiểu về chi tiết gần như không thể tách rời và có ảnh hưởng quan trọng đến khả năng điều khiển của ô tô này nhé!
Vô lăng là gì?
Vô lăng hay còn gọi là vành tay lái hoặc bánh lái là bộ phận thuộc hệ thống lái trên xe ô tô. Có dạng hình tròn và được tài xế sử dụng trực tiếp để điều khiển các hướng di chuyển của xe.
Tùy theo quy ước của từng nước mà vô lăng xe được đặt bên trái hay bên phải. Nghĩa là, đối với các nước quy định chiều chuyển động bên phải thì vô lăng sẽ được lắp đặt bên trái và ngược lại, đối với chiều chuyển động bên trái thì vô lăng sẽ được lắp đặt bên phải hay còn gọi là tay lái thuận. Tại Việt Nam chiều thuận được quy định trong luật giao thông là bên phải, nên vô lăng sẽ được thiết kế nằm ở vị trí bên trái trong buồng lái xe ô tô.
Cấu tạo vô lăng
Trước khi ngành ô tô ra đời, ngành công nghiệp đóng tầu đã đạt được những đỉnh cao về thiết kế. Vô lăng ô tô cũng được hưởng những thành tựu từ ngành công nghiệp này.
Ban đầu, những chiếc ô tô đầu tiên cũng có bánh lái dạng cần như những chiếc thuyền, người điều khiển sẽ gạt sang hướng ngược lại để chuyển hướng. Ví dụ để rẽ phải, người lái sẽ kéo cần gạt sang trái, và ngược lại.
Năm 1894, Alfred Vacheron mới trình làng vô lăng dạng tròn trên mẫu xe đua Panhard 4 mã lực tại cuộc đua Paris-Rouen. Kể từ đó về sau, chiếc vô lăng xe hơi chính thức có hình dạng tròn cho đến ngày nay. Để kết nối với hệ thống lái, vô lăng sẽ kết nối với cổ lái qua các chấu, và tùy theo hãng xe mà số lượng chấu có thể 2, 3 hoặc 4 chấu.
Ban đầu, các chấu trên vô lăng được dàn đều theo hình dáng ngôi sao 3 cánh, hoặc 4 chấu hình chữ thập. Ở thời điểm hiện tại khi tốc độ di chuyển cao hơn, các thông số vận hành cũng phức tạp hơn, đòi hỏi người lái phải nắm bắt nhiều hơn thông số vận hành trên bảng đồng hồ lái, cấu tạo các chấu trên vô lăng xe hơi có sự tái thiết kế lại theo dạng chữ T hoặc nằm ngang. Ngoài ra, một số phiên bản xe thể thao sẽ có vô lăng đáy bằng D-Cut hoặc vát bằng trên dưới như vô lăng các dòng xe đua F1.
Trước đây, vô lăng được chế tạo từ sắt, gang hoặc gỗ. Tuy nhiên, chất liệu cấu thành vô lăng ô tô hiện đại bao gồm hợp kim nhôm hoặc magie có độ bền cao và được bọc da hoặc ốp vân gỗ bên ngoài. Các phiên bản xe đua hoặc hiệu năng cao có thể sử dụng vô lăng bằng carbon, giúp giảm trọng lượng đáng kể.
Bên cạnh đó, tùy theo thiết kế của từng loại xe và hãng xe, vô lăng còn được tích hợp thêm các nút chức năng để giúp người lái thuận tiện hơn trong việc điều khiển xe hay điều khiển các tiện ích khác như nhận cuộc gọi đến, điều khiển dàn âm thanh, bấm còi xe, khóa cửa…
Vô lăng ô tô có thể được gắn cố định hoặc điều chỉnh theo 4 hướng: Tiến – Lùi – Cao – Thấp theo thiết kế của nhà sản xuất, giúp người lái dễ dàng tìm tư thế lái thoải mái nhất. Tùy theo nhà sản xuất và phân khúc, mà cơ cấu điều chỉnh vô lăng xe có thể bằng cơ hay bằng điện, có thể tích hợp nhớ vị trí cùng với ghế ngồi và gương chiếu hậu hiện đại. Đặc biệt là các dòng xe hạng sang như vô lăng Mercedes, vô lăng Bmw…
Ngoài ra, ngay sau vô lăng xe hơi còn tích hợp các cần gạt khác nhau, có thể điều chỉnh đèn xi nhan, đèn pha, gạt nước mưa, lẫy chuyển số. Khoảng 10 năm trở lại đây, vô lăng Mercedes còn tích hợp cần số Direct Shift phía sau vô lăng, người lái chỉ cần điều khiển một chạm để vào số P – N – R – D – M.
Để điều khiển hướng di chuyển của xe, tài xế sẽ thông qua vô lăng dựa trên cơ cấu chuyển động của cặp bánh răng và thanh răng trên xe. Trong đó, thanh răng được gắn trên ống kim loại bằng hai đầu mút. Đây là cơ cấu làm việc cơ bản của một hệ thống lái. Hiện tại, người lái đã điều khiển vô lăng xe hơi nhàn nhã hơn rất nhiều với hệ thống trợ lực thủy lực hoặc hệ thống trợ lực lái điện.
>> Xem thêm: Tìm hiểu về vô lăng phần 1