Hệ thống nâng hạ kính trên xe hơi là một trong những hệ thống cơ bản. Đây là tiện nghi cần thiết phải có trên mỗi chiếc xe hơi. Trước kia, những dòng xe hơi đời cũ hệ thống này thường được điều chỉnh lên – xuống bằng tay. Ngày nay với sự khoa học phát triển, hệ thống này đã được điều chỉnh tự động bằng điện với nhiều chế độ khác nhau.
Hệ thống nâng hạ kính là gì?
Theo chuyên ngành cơ khí ô tô, hệ thống nâng kính – hạ kính trên xe hơi dùng để chỉ các cụm chi tiết làm nhiệm vụ điều khiển kính của xe. Hệ thống điều khiển kính cửa ở những dòng xe thế hệ mới không chỉ đơn thuần là nâng – hạ kính mà nó còn tích hợp thêm chức năng chống kẹt kính, tự động lên kính khi khóa cửa xe.
Mặc dù nhìn hệ thống này khá đơn giản nhưng các bạn học sửa chữa ô tô cũng cần phải nắm bắt được để từ đó hiểu và sửa chữa được khi gặp trường hợp này.
Cấu tạo của hệ thống nâng hạ kính trên xe hơi
Dựa vào cấu tạo bề mặt cơ khí, hệ thống nâng kính – hạ kính trên xe ô tô có thể phân thành hai loại khác nhau.
- Hệ thống nâng kính, hạ kính sử dụng dây cáp kéo.
- Hệ thống không sử dụng dây cáp có hình “cái kéo”.
Để hệ thống này làm việc được hiệu quả, trơn tru thì cần phải có một mô tơ điện hay còn gọi là mô tơ nâng hạ kính. Sau đây chính là cấu tạo và nguyên lý hoạt động của 2 cơ cấu này.
Hệ thống sử dụng dây cáp kéo
Tùy vào loại cáp được dùng mà trong hệ thống cáp kéo này chúng ta có thể phân thành 3 loại khác nhau:
- Sử dụng cáp kéo xoắn.
- Sử dụng cáp Bowden kép
- Sử dụng cáp Bowden đơn
Đối với cáp Bowden kép và Bowden đơn có công dụng và nguyên lý hoạt động tương đương nhau.
Cấu tạo của cáp kéo xoắn bao gồm: Một motor điện một chiều, dây cáp xoắn và một thanh ray trượt.
Hệ thống này có nguyên lý hoạt động rất đơn giản, thanh ray trượt đảm nhận nhiệm vụ nâng đỡ tấm kính, giúp kính có được bề mặt phẳng. Kết hợp với mô tơ điện quay và dây cáp sẽ giúp kính nâng lên – hạ xuống một cách dễ dàng hơn.
Cấu tạo của cáp Bowden đơn và kép: Loại cáp này thường dùng làm dây phanh trên xe đạp hoặc các loại xe gắn máy. Hệ thống Bowden đơn sử dụng 2 dây cáp và 1 thanh ray trượt. Đối với hệ thống Bowden kép thì thêm 1 dây cáp và thêm 1 đoạn ray trượt nữa. Khi thanh trượt được bổ sung thêm, sức kéo vì thế sẽ tăng lên từ đó khả năng lên – xuống của kính sẽ được ổn định hơn, di chuyển nhanh hơn.
Hệ thống không sử dụng dây cáp có hình “cái kéo”
Về vai trò của hệ thống này cũng giống với hệ thống sử dụng dây cáp. Mục đích cuối cùng là giúp nâng – hạ kính dễ dàng. Tuy nhiên về mặt cơ khí và thiết kế thì hệ thống “cái kéo” hoàn toàn khác. Hiệu quả mà hệ thống này mang lại rất tốt, vì vậy được rất nhều các hãng xe trên thế giới lựa chọn.
Cấu tạo của hệ thống nâng kính không dùng dây cáp có hình “cây kéo” bao gồm: Một mô tơ điện, bánh răng, thanh tay đòn hình chữ “X” và bệ đỡ kính.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống này như sau: Khi có nguồn điện truyền đến sẽ làm động cơ mô tơ quay, các bánh răng nối khớp với mô tơ sẽ làm cho bánh răng quay theo. Bánh răng này được ăn khớp cơ khí với bánh răng trên cánh tay đòn. Kéo theo nó sẽ di chuyển, thanh chữ “X” sẽ được nâng hạ lên hoặc xuống theo chiều quay của động cơ. Cơ cấu chuyển động này sử dụng hoàn toàn bằng bánh răng, không sử dụng dây cáp. Nó khá đơn giản, vì vậy rất thuận tiện cho việc sửa chữa, thay thế và lắp đặt.
Một số lỗi thường gặp của hệ thống nâng hạ kính ô tô
- Motor hỏng: Khi nhân nút lên/xuống kính mà mô tơ không chuyển động hoặc không xuất hiện âm thanh thì chắc chắn motor hỏng hoặc hệ thống điện có vấn đề.
- Một số bánh răng bị mòn hoặc gãy dưới sức nặng của cửa kính do sử dụng quá lâu gây hư hỏng hoặc bị mòn bánh răng khiến hệ thống không được hiệu quả.
- Một số những dây cáp của hệ thống bị kẹt trong trục xoắn hoặc bị đứt.
- Hệ thống điện gặp vấn đề.
- Hệ thống nâng kính – hạ kính bị hỏng.
Dù là bất kỳ vấn đề gì thì chủ phương tiện cũng nên mang xe đến gara ô tô để kiểm tra và sửa chữa để chiếc xế hộp luôn hoạt động một cách tốt nhất nhé. Nếu bạn là người am hiểu về ô tô, hoặc bạn là thợ muốn tự tay sửa chữa – thay thế cho chiếc xe của mình thìcó thể tự mua phụ tùng về để thay thế nhé.